Trẻ chậm nói do xem tivi? Tivi, smartphone khiến trẻ có nguy cơ bị nghiện, gây ảnh hưởng đến các liên kết của noron thần kinh, khiến trẻ ít có nhu cầu học tập, hạn chế khả năng khám phá, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ – con.


Điện thoại, ipad ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ của trẻ

Trong thời buổi công nghệ hiện đại, ti vi và điện thoại thông minh gần như thay thế mọi thói quen của con người, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Thay vì những hoạt động vui chơi ngoài trời, một số trẻ em bây giờ chỉ thích chăm chú vào màn hình ti vi, điện thoại…

Thậm chí, người lớn thay vì việc giành thời gian để chơi với trẻ thì lại chú tâm vào màn hình điện thoại, hay đưa cho trẻ một cái smartphone chỉ với mục đích để trẻ ngồi yên và không gào khóc…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác hại của việc cho trẻ sử dụng điện thoại hay xem tivi nhiều là điều đáng báo động. việc một đứa trẻ bình thường nghiện tivi, ipad đã rất đáng lo ngại và với những trẻ chậm nói lại còn đáng lo hơn.

Như chúng ta đã biết tivi, điện thoại thông minh chỉ là phương tiện truyền thông, tác động một chiều, không phải là phương tiện giao tiếp nhưng hiện nay rất nhiều trẻ được người lớn vừa cho xem tivi, ipad vừa được phụ huynh cho ăn, hoặc mở lên cho trẻ chơi cả ngày, trong khi điều trẻ thực sự cần là được tương tác với mọi người vì chỉ có tương tác thì mới phát triển được ngôn ngữ.

ngaymoiedu

Chị Thanh Vân (Thanh Trì, HN) cho biết, bé nhà chị hiện tại đã 4 tuổi, nhưng đến 3 tuổi con mới bắt đầu biết nói, ngày nhỏ khi bận công việc, bố mẹ thường cho con chơi Ipad, con ngồi rất ngoan và chơi suốt cả buổi, không làm phiền đến bố mẹ. Tuy nhiên, sau nhiều tháng thấy con ít gắn bó hơn với bố mẹ, cũng như đến 24 tháng tuổi chưa thấy con phát âm được từ nào, nên gia đình rất lo lắng.

Những hình ảnh, âm thanh từ ti vi, ipad rất sống động khiến trẻ luôn bị thu hút và hành vi này nếu được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên sẽ tạo thành thói quen khiến trẻ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều (nghe nhìn mà không có sự hồi đáp, tương tác). Điều này khiến những âm thanh từ đời thực trở nên xa vời, trẻ không còn quan tâm lại càng không hứng thú bằng những âm thanh sống động trong tivi, trên ipad hoặc điện thoại. Dẫn đến tình trạng tỉ lệ trẻ chậm nói càng ngày càng nhiều.

Đối với trẻ nhỏ, có vẻ như công nghệ càng hiện đại thì lại càng “hại điện”. Có một hiện tượng rất thú vị mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng nhận ra, đó là cứ bật tivi lên thì trẻ bỗng dưng lại “ngoan” một cách kỳ lạ. Bé ngồi yên, chăm chú theo dõi, bỏ cả chạy nhảy, bỏ cả quấy mẹ và đương nhiên, trẻ cũng bỏ cả nói chuyện.

Rất nhiều phụ huynh thắc mắc: Bé nghe tivi nói cũng như nghe mẹ nói,  cũng là ngôn ngữ mà tại sao trẻ xem tivi lại chậm nói còn nghe mẹ nói lại nhanh biết nói? Thực ra, việc giao tiếp giữa mẹ – con và tivi là hai mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Khi trẻ xem tivi, bé sẽ chỉ tiếp nhận thông tin một chiều. Bé là người nghe và chỉ cần yên lặng nghe. Lâu dần sẽ khiến trẻ mất đi ham muốn được nói.

Trong khi đó, khi bé giao tiếp với mẹ, đấy là một mối quan hệ hai chiều. Bé vừa là người nghe, vừa là người cần nói, cần bày tỏ ý kiến. Từ đấy sẽ thôi thúc trẻ nói hơn. Xem tivi nhiều cũng khiến trẻ quên đi giọng mẹ và chỉ tập trung vào âm thanh của tivi.

Do đó, các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên rằng, thay vì quẳng cho con Ipad hay bật hoạt hình cho con nghe, cha mẹ nên giành thời gian để trò chuyện cùng con, việc trò chuyện thường xuyên là cách giúp bé phát triển ngôn ngữ tốt nhất. Nếu cho con xem, mẹ nên cùng ngồi với bé để xem các chương trình như phim hoạt hình, ca nhạc và bình luận về các tình tiết, nhân vật, hội thoại trong phim để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ tốt hơn…

Theo các chuyên gia tâm lý trị liệu từng điều trị cho các bé bị “nghiện” xem tivi, smartphone cho rằng: Việc cho con tiếp xúc quá sớm với các thiết bị trên ở những độ tuổi mà lẽ ra con cần được khám phá, trải nghiệm môi trường xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Tivi, smartphone khiến trẻ có nguy cơ bị nghiện, gây ảnh hưởng đến các liên kết của noron thần kinh, khiến trẻ ít có nhu cầu học tập, hạn chế khả năng khám phá, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ – con. Ngoài ra việc tiếp xúc tivi, điện thoại quá sớm cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc các chứng chậm nói, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn trong hòa nhập, khó khăn trong học tập hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại các trường mầm non và tiểu học.

Cần hạn chế tuyệt đối cho trẻ xem tivi, sử dụng Ipad và điện thoại cảm ứng quá sớm. Muốn trẻ học nói nhanh thì cần phải có sự tương tác hai chiều để trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Bố mẹ hãy tập cho trẻ nói lên nhu cầu của mình. Việc cha mẹ thấy con khóc đòi chỉ trỏ  thì nhanh tay đáp ứng liền yêu cầu của trẻ. Như vậy sẽ làm cho trẻ càng lười tập nói hơn.

“Hãy tập cho trẻ thói quen nói lên nhu cầu của mình để trẻ nói được nhiều và nhanh hơn. Chỉ cho trẻ những đồ vật xung quanh trẻ và dạy trẻ biết cách gọi tên để làm phong phú thêm khả năng ngôn từ cho trẻ. Hãy huy động tất cả giác quan của trẻ trong vấn đề dạy nói để làm sao trẻ vừa nghe, thấy, làm, tiếp xúc sẽ giúp trẻ học nói nhanh hơn”, lời khuyên cho các bậc phụ huynh.

(NGUỒN: BÁO ĐỜI SỐNG & TIÊU DÙNG: http://doisongtieudung.vn/Tivi-smartphone-thông-minh-có-thể-khiến-trẻ-chậm-nói_160-188-546898.html)